Ông Nguyễn Văn Vui ở thôn Nhân Nội, xã Tân Tiến, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên bật mí: "Bằng cách nuôi gối đàn và nhốt chuồng vỗ béo 40 con bò Brahman đỏ, mỗi tháng gia đình ông xuất bán ra thị trường được 10 con bò thịt, doanh thu hơn 300 triệu đồng, lợi nhuận ngót 10 triệu".
Sở dĩ ông Vui chuyển sang chăn nuôi bò thịt là vì gia đình ông có hơn 5.000m2 gieo cấy lúa, thường bị rủi ro thời tiết và dịch bệnh, áp lực thời vụ cao, phải sử dụng hoá chất bảo vệ vật, gây ô nhiễm môi trường và sức khoẻ cộng đồng, thu nhập mỗi năm cũng chỉ được dưới 20 triệu đồng.
Sau khi chuyển đổi diện tích lúa sang trồng cỏ voi nuôi bò, mỗi năm thu nhập đã đạt gần 90 triệu đồng. Ngoài ra, nuôi trâu bò thịt nói chung rất ít rủi ro dịch bệnh, kỹ thuật chăn nuôi đơn giản, tốn ít công lao động, hiệu quả chăn nuôi luôn ổn định.
Ông Vui chăm sóc đàn bò Brahman đỏ có vóc dáng to lớn.
Qua tìm hiểu thực tế chúng tôi thấy: Thường ngày gia đình ông Vui chỉ duy trì 1 lao động cho nuôi và quản lý đàn bò 40 con. Vì bò nuôi nhốt chuồng không cần người trông coi liên tục. Cỏ cho bò ăn, trồng 1 lần cho thu hoạch nhiều năm. Mua bê nuôi hoặc xuất bán bò thịt đã có thương lái cung ứng/bao tiêu tận nhà. Bò thịt xuất chuồng từ nhiều năm nay không bị mất giá.
Ông Vui cho biết, lý do ông chọn bò lai Brahman đỏ để nuôi vỗ béo vì đây là giống bò có thể trọng lớn, tốc độ tăng trọng nhanh, chất lượng thịt tốt, hợp thị hiếu người tiêu dùng. Hơn nữa, bò Brahman đã thích nghi cao với điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm ở nước ta.
Bí quyết nuôi bò Brahman vỗ béo đạt lợi nhuận cao của ông Vui là: Chọn mua con giống khoẻ mạnh, có ngoại hình chân cao, vai rộng, mông nở, thân dài, lưng thẳng, u yếm phát triển, tai to rủ xuống, không có dịch bệnh, nhất là bệnh truyền nhiễm. Thức ăn cho bò bao gồm chủ yếu là cỏ voi và tận dụng thêm các phụ phẩm nông nghiệp khác như cây ngô, thân chuối tây, dây khoai lang...băm nhỏ trộn đều với cám công nghiệp cho bò ăn 3 bữa/ngày (sáng, trưa và chiều tối).
Ông Vui cho đàn bò Brahman đỏ ăn chủ yếu là cỏ voi băm nhỏ trộn với cám viên chuyên dùng cho heo.
Riêng thức ăn tinh cho bò (cám công nghiệp), ông Vui không sử dụng cám chuyên bò, mà dùng cám viên tổng hợp loại dành cho nuôi heo.
Giải thích cho cách làm trái ngược của mình, ông Vui cho hay: Cám chuyên bò có hàm lượng chất xơ/hàm lượng dinh dưỡng cao hơn cám chuyên lợn, cho phù hợp với các cơ sở chăn nuôi bò không chủ động được nguồn thức ăn hữu cơ thô xanh.
Gia đình ông thường xuyên có nguồn thức ăn thô xanh dồi dào, nên việc dùng cám viên chuyên lợn (hàm lượng dinh dưỡng cao hơn cám chuyên bò), phối trộn cho bò ăn, vừa giúp bò tăng trọng nhanh hơn, vừa giảm chi phí đầu tư mua thức ăn công nghiệp, hạ giá thành sản phẩm, tăng thu nhập.
Tuy nhiên, khi dùng cám viên chuyên lợn cho nuôi bò, cần bắt đầu cho ăn từ liều lượng thấp, sau tăng dần theo sự tăng trọng của bò. Bê con mới mua (150 - 160 kg/1 con), mỗi ngày có thể cho ăn 1kg cám viên chuyên lợn và 20kg cỏ voi.
Trước xuất bán bò từ 1 - 2 tháng (350 - 370 kg/1 con) có thể cho ăn 4 - 5kg cám viên chuyên lợn và 50kg cỏ/ngày. Chú ý theo dõi khả năng hấp thụ cám chuyên lợn của từng bê con, để điều chỉnh liều lượng ăn cho phù hợp.
Chuồng trại nuôi bò phải đảm bảo thoáng về mùa hè, ấm áp về mùa đông, vệ sinh sạch sẽ thường xuyên. Vacxin phòng ngừa tụ huyết trùng và lở mồm long móng cho bò theo đúng lịch khuyến cáo từ ngành thú y.
Ruộng trồng cỏ voi làm thức ăn xanh, thức ăn thô cho đàn bò nuôi vỗ béo của gia đình ông Vui.
Đối với bệnh chướng bụng đầy hơi trên bò, ông Vui thường chữa trị bằng mẹo rất hiệu quả. Cách làm như sau: Khi thấy bò biếng ăn, không nhai lại, thở khó khăn, bụng căng to dần... Dùng 1 cây ống dẫn nước bằng nhựa, đường kính 2,7cm, dài hơn 1m, thông xuống cổ họng (qua miệng) bò, ngập sâu 0, 7 - 0,8m ống, thông đi thông lại 12 - 15 lần, hơi chướng trong bụng bò sẽ thoát dần ra. Sau đó bóc 2 củ tỏi giã nhỏ, pha với 0,5 lít nước sạch đổ vào dạ dày (qua miệng) bò. Chỉ từ sáng đến chiều là bụng bò xẹp và tiếp tục ăn trở lại.
Bằng cách này, ông Vui không chỉ chữa trị khỏi chướng bụng đầy hơi cho đàn bò của gia đình, mà còn cứu giúp thành công cho nhiều gia đình chăn nuôi trong làng, xã.
"Đầu tư một lần cho nuôi vỗ béo 40 con bê Brahman cần nguồn vốn rất lớn (khoảng 600 triệu đồng). Những nhà nông có tiềm lực kinh tế thấp nên bắt đầu nuôi 5 - 7 con bê đực và một số bê cái, vừa nuôi vỗ béo bò thịt vừa nuôi sinh sản, sau 2 - 3 năm có thể nhân rộng được đàn bò nuôi 40 con hoặc hơn", ông Vui chia sẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét