Thứ Năm, 26 tháng 7, 2018

Giá dầu tăng gây sốc, rủi ro mới cho nhiều nền kinh tế

Giá một thùng dầu Brent hiện nay lên đến gần 80 USD, so với mức giá 55 USD tại cùng thời điểm năm 2017. Chưa kể trong những tuần gần đây, đồng Euro đã giảm nhẹ so với đồng USD làm cho dầu thô trở lên đắt giá hơn với châu Âu.
Kinh tế Pháp và khu vực đồng euro gặp khó khăn
Ngân hàng Natixis của Pháp vừa đưa ra cảnh báo về cú "sốc" dầu lửa khi giá vàng đen đã tăng tới 45% trong năm qua. Nguyên nhân chính được đưa ra là cầu tăng nhanh hơn cung, nhất là sau khi các nước xuất khẩu dầu lửa OPEC và Nga họp năm 2016 tại Viên quyết định giảm sản lượng dầu. Khi đó giá dầu quá thấp, chỉ là 28 USD/thùng. Đặc biệt, giá dầu đã tăng nhanh sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và tình hình kinh tế yếu kém của Venezuela. Việc Mỹ nối lại trừng phạt Iran sẽ khiến thị trường dầu hụt đi hàng trăm nghìn tấn dầu, trong khi sản lượng dầu của Venezuela – nước xuất khẩu dầu lửa đứng hàng thứ 8 thế giới và có những mỏ dầu lớn nhất thế giới – đã giảm một nửa trong vòng 1 năm.
Giá dầu tăng cao có lợi cho các tập đoàn khổng lồ trong ngành công nghiệp dầu lửa. Lợi nhuận của tập đoàn Total của Pháp trong Quý I/2018 đạt 2,36 tỷ euro, tăng 13%. Trong khi đó, nhiều ngành công nghiệp khác và sức mua của người tiêu dùng lại bị ảnh hưởng nặng nề.
Giá dầu tăng gây sốc, rủi ro mới cho nhiều nền kinh tế - ảnh 1
Giá dầu dự báo tiếp tục tăng trong thời gian tới, tác động đến tăng trưởng kinh tế tại nhiều nước (Giá dầu thô Brent: Xanh -USD; đỏ- euro)

Theo Natixis, giá dầu tăng đã khiến lạm phát tại châu Âu tăng 0,4%. Điều này chưa làm kinh tế lâm vào suy thoái, nhưng dù sao cũng ảnh hưởng cho sự phục hồi kinh tế của thế giới. Các lĩnh vực vận tải, hóa chất và nông nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp.
Các nhà kinh tế ước tính, với giá dầu 80 USD/thùng thì sẽ làm tăng trưởng kinh tế Pháp giảm 0,1% điểm. Chưa có gì đáng báo động khi tăng trưởng kinh tế Pháp năm 2018 được dự báo đạt 2%, nhưng giá dầu đã làm lạm phát tăng và ảnh hưởng xấu tới các đối tác thương mại của Pháp trong khu vực đồng euro, do vậy tác động tới xuất khẩu.
Theo dự báo của Cơ quan về tình hình kinh tế Pháp (OFCE), giá dầu năm tới có thể dẫn tới việc đảo ngược tình hình mang tính thời vụ. "Sự kết hợp giữa các điều kiện thuận lợi" mà khu vực đồng euro được hưởng từ 4 năm qua bởi giá dầu rẻ, tỷ lệ lãi suất thấp và đồng euro yếu sẽ chấm dứt. Ba yếu tố này đã giúp kinh tế các nước khu vực đồng euro tăng trưởng khá.
Giá dầu tăng cao càng đáng ngại hơn khi có một loạt tín hiệu xấu cho kinh tế châu Âu đang bị lung lay bởi chủ nghĩa bảo hộ của Tổng thống Mỹ Trump, khủng hoảng chính trị tại Italia và Brexit đến gần. Theo các cuộc thăm dò mới nhất, tinh thần của các chủ doanh nghiệp đang đi xuống rõ rệt.
Theo các chuyên gia kinh tế của Văn phòng Oddo, với mức giá hiện tại, chi phí nhập khẩu dầu của Pháp sẽ tăng thêm khoảng 0,6% GDP cho năm 2018. Giá dầu tăng sẽ gây ra hiệu ứng kép: việc gia tăng giá dầu dẫn đến "lạm phát xấu", làm giảm sức mua của các hộ gia đình và giảm lợi nhuận của các công ty tiêu thụ nhiều nhiên liệu. Tiêu thụ, đầu tư và thậm chí việc làm có thể bị ảnh hưởng.
Từ hai đến ba năm tới, tác động tiêu cực của việc tăng giá dầu đối với tăng trưởng của Pháp sẽ chiếm khoảng 0,3% GDP.
Hiện nay, tỷ lệ thất nghiệp đang tiếp tục giảm trong khu vực đồng euro và Pháp. Khu vực tư nhân tại Pháp tạo ra 58.000 việc làm trong 3 tháng đầu năm và tiền lương tăng nhẹ. Tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp Pháp đạt 32%, tương đương với mức trước khủng hoảng và thậm chí cao nhất kể từ đầu những năm 2000 trong ngành công nghiệp, ngành có mảng giao thông chịu áp lực nhiều nhất về tăng giá dầu.
Kinh tế Ấn Độ, Nhật Bản và một số nước sử dụng nhiều dầu mỏ cũng bị ảnh hưởng.
Tác động FED tăng lãi xuất
Thêm vào đó, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa tăng lãi xuất khiến đồng vốn ở các ngân hàng trở nên đắt đỏ. Bản phân tích gửi tới khách hàng gần đây của Quỹ đầu cơ lớn nhất thế giới Bridgewater Associates cảnh báo: "Năm 2019 sẽ là giai đoạn nguy hiểm của nền kinh tế toàn cầu".
Việc FED nâng lãi xuất USD sẽ tác động không thuận đến thị trường tài chính thế giới.
Đây là đợt tăng lãi suất thứ hai của Mỹ trong năm nay. Quyết định này của FED làm chênh lệch về lãi suất cơ bản giữa Mỹ và Hàn Quốc được nới rộng hơn.
Quyết định này của FED dự kiến sẽ tác động không nhỏ tới thị trường tài chính thế giới, như khả năng xảy ra hiện tượng giới đầu tư rút vốn ồ ạt khỏi thị trường các nước mới nổi, các quốc gia có gánh nặng nợ lớn có thể rơi vào khủng hoảng.
FED vẫn duy trì số lần dự kiến nâng lãi suất cơ bản trong năm sau là ba lần.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét