Anh là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ hai của Việt Nam sau Hà Lan trong khối EU, chiếm 31% tổng xuất khẩu tôm của Việt Nam sang EU.
Giá tôm"ngược chiều" với sản lượng
Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ hải sản Việt Nam (VASEP) vừa cho biết, xuất khẩu thuỷ sản nửa đầu năm nay đã đạt gần 4 tỷ USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tôm là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất khi đạt hơn 1,6 tỷ USD.
Tuy nhiên, giá tôm trên thị trường thế giới giảm, sản lượng của các nước sản xuất tôm đồng loạt tăng đã khiến giá tôm nguyên liệu và giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam cũng bị ảnh hưởng trong những tháng gần đây. Xuất khẩu tôm giảm gần 10% và 0,7% trong tháng 5 và tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái.
EU hiện vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của tôm Việt Nam. Việc xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường EU hiện khá thuận lợi do tôm Ấn Độ (đối thủ chính của Việt Nam tại EU) gặp khó khăn trên thị trường EU và đối mặt với nguy cơ EU cấm nhập khẩu nên tôm Việt Nam được lựa chọn thay thế.
Bên cạnh đó, tôm Việt Nam có lợi thế được hưởng mức thuế GSP từ EU mà Thái Lan và Trung Quốc không có. Đặc biệt, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam với Liên minh Châu Âu (EVFTA) có hiệu lực, mặt hàng tôm Việt Nam sẽ càng có nhiều cơ hội xuất khẩu vì theo cam kết mặt hàng tôm sẽ được hưởng thuế ưu đãi đặc biệt.
Tuy nhiên, trong nước, cùng với giá tôm nguyên liệu, giá tôm xuất khẩu cũng có xu hướng giảm từ cuối tháng 2 và hiện đã giảm đến 20% so với thời điểm cuối năm 2017. Ðiều này khiến các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm không dám thu mua nguyên liệu nhiều dù giá khá thấp, khiến thị trường tôm nguyên liệu càng thêm ảm đạm.
Nguyên nhân của tình trạng nêu trên là do nguồn cung tôm thế giới tăng mạnh trong những tháng đầu năm. Theo VASEP, sản lượng tôm của các nước sản xuất chính trên thế giới được dự báo có thể đạt 3,5 triệu tấn trong năm 2018, mức cao nhất trong vòng 10 năm qua. Chính vì vậy, xu hướng giá giảm không chỉ xảy ra ở riêng Việt Nam mà ở cả các nước như: Ecuador, Thái Lan, Indonesia,... Sự gia tăng sản lượng này bắt nguồn từ năm 2017 khi thị trường tiêu thụ tôm thế giới khá tốt, người nuôi được giá cho nên nhiều nước đã tăng diện tích nuôi, trong đó có Việt Nam.
Tại thị trường nhập khẩu tôm lớn là Mỹ thì lượng tồn kho tăng cao sau khi nhập khẩu trong năm 2017 của nước này tăng 10%. Do đó, trên thị trường Mỹ, các nhà xuất khẩu tôm Việt Nam cũng phải cạnh tranh gay gắt về giá với các nước xuất khẩu khác khi họ liên tục cung ứng với giá thấp. Cụ thể, giá trung bình tôm Ấn Ðộ xuất vào Mỹ đạt 9,9 USD/kg trong quý I-2018, trong khi giá trung bình xuất khẩu tôm Việt Nam vào Mỹ ở mức 11,4 USD/kg. Khi doanh nghiệp không xuất được hàng thì giá tôm nguyên liệu trong nước càng có nguy cơ giảm sâu hơn.
Từ thực tế trên, nhiều chuyên gia lo ngại Việt Nam phải tăng mở rộng các thị trường để để gia tăng thị phần xuất khẩu.
"Cửa" mới cho tôm Việt
Cũng theo VASEP, Anh là nước nhập khẩu tôm lớn thứ 3 trong khối EU sau Tây Ban Nha và Pháp, mỗi năm quốc gia này nhập khẩu trung bình khoảng 900 triệu USD tôm. Anh nhập khẩu tôm chủ yếu để tiêu thụ trong nước vì vậy trong 3 năm trở lại đây, Anh là đích đến của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam.
Việt Nam là nguồn cung tôm lớn nhất cho Anh, chiếm 24% tổng giá trị nhập khẩu tôm của Anh. Ấn Độ đứng thứ hai chiếm 17%. Trong khối EU, Anh là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ hai của Việt Nam sau Hà Lan, chiếm 31% tổng xuất khẩu tôm của Việt Nam sang EU và chiếm 5,6% tổng xuất khẩu tôm Việt Nam đi tất cả các thị trường.
Nguồn VASEP
VASEP cho biết, năm 2017, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Anh đạt 210,6 triệu USD, tăng 55,5% so với năm 2016. Ba tháng đầu năm 2018, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Anh đạt 41,4 triệu USD, tăng 49% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong 3 năm trở lại đây, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Anh tăng trưởng liên tục từ 114,6 triệu USD năm 2014 lên 210,6 triệu USD năm 2017, tăng gần 84%. Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Anh có xu hướng ngày càng tăng do Anh đẩy mạnh nhập khẩu tôm nước ấm nhờ giá phải chăng để thay thế cho tôm nước lạnh. Giá tôm nước lạnh ngày càng tăng do các nước khai thác liên tục cắt giảm hạn ngạch khiến sản lượng sụt giảm.
Có thể nói, Anh là một thị trường đáng lưu tâm của doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam trong khối EU vì DN xuất khẩu sang thị trường này được hưởng ưu đãi về thuế GSP giống như quy định chung trong xuất khẩu sang EU. Anh là thị trường có mức sống cao nên người tiêu dùng nước này không chỉ lựa chọn những sản phẩm chất lượng cao, tiện lợi mà còn chú ý đến tiêu chí bền vững của sản phẩm.
Do vậy, Vasep khuyến nghị, các DN nên lưu ý tiêu chí này để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét