Thứ Hai, 17 tháng 9, 2018

Dịch tả lợn châu Phi – Thách thức lớn với ngành chăn nuôi

Dịch tả lợn châu Phi được nhận định là thách thức lớn với ngành chăn nuôi khi ngành này chỉ mới phục hồi sau nhiều phen lao đao trong 2 năm qua.
Virus gây dịch tả lợn châu Phi đang được ví như một loại "vũ khí sinh học" bởi mức độ lây lan chóng mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới, 17 quốc gia, vùng lãnh thổ báo cáo đã lây nhiễm bệnh. Tại Trung Quốc - nơi chiếm tới một nửa số lợn của thế giới đã có 14 ổ dịch, bệnh vẫn đang lây lan xuống các tỉnh phía nam nước này, tiến gần các tỉnh biên giới Việt Nam.
Sau gần 100 năm, kể từ khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên tại Kenya, đến nay thế giới vẫn chưa có vaccine phòng và cũng không có cách điều trị bệnh tả lợn châu Phi. Khi bị bệnh thì chỉ có cách duy nhất là tiêu huỷ toàn bộ. Tính chất nguy hiểm của dịch bệnh này buộc Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc và Tổ chức Thú y thế giới liên tục đưa ra các cảnh báo về biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện hoả tốc, yêu cầu tập trung triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam. Trong khi đó, tại hội nghị trực tuyến với các địa phương ứng phó với dịch tả lợn châu Phi cuối tuần này, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lo ngại rằng lợn và sản phẩm thịt lợn từ hoạt động biên mậu và nhập lậu qua đường mòn, lối mở từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Trước nguy cơ xâm nhiễm đại dịch, Việt Nam đã có lệnh tạm dừng nhập khẩu thịt lợn và sản phẩm thịt lợn xuất xứ từ các địa phương có dịch tả lợn châu Phi ở một số nước châu Âu, từ ngày 20/9 cho đến khi các nước này công bố an toàn. Dịch bệnh tả lợn châu Phi hiện đang là một thách thức lớn đối với ngành chăn nuôi nước ta, nhất là ở thời điểm ngành mới chỉ phục hồi sau một thời gian dài rớt giá liên tiếp trong hai năm vừa qua.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét