Thứ Ba, 5 tháng 12, 2017

Thử tìm lời giải cho BOT Cai Lậy

Không thể để tình trạng thu rồi xả, xả rồi thu bởi tài xế phản đối, giao thông ùn tắc và cự cãi, hỗn loạn tại đó mãi; phải sớm chấm dứt như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo.

Nhưng chấm dứt cách nào khi mà chủ đầu tư - Công ty Đầu tư Quốc lộ (QL) 1 Tiền Giang - đã nhiều lần tuyên bố kiên quyết không dời trạm còn cánh lái xe cũng mạnh mẽ hứa sẽ tiếp tục phản đối bằng nhiều cách khác nhau và không phạm luật?

Vấn đề chính không còn nằm ở chỗ giá vé nữa rồi bởi chủ đầu tư đã thực hiện giảm, miễn phí cho nhiều loại xe và cho cư dân 4 xã gần đó nhưng giới tài xế vẫn không chịu xuống nước, thậm chí làm tới, cho dù phí tổn cho hành động phản đối này lớn hơn nhiều so với khoản tiền qua trạm họ phải trả theo giá vé.

Mấu chốt vấn đề là vị trí đặt trạm BOT Cai Lậy, thay vì nằm trên QL1 như hiện nay, người dân và giới chạy xe đòi phải dời nó về đúng chỗ là tuyến mới Cai Lậy - tuyến đường dài 12 km do chủ đầu tư bỏ ra 1.386 tỉ đồng làm, là đường tránh qua thị xã này; đổi lại, nhà đầu tư được quyền đặt trạm trên QL1 tại Cai Lậy và thu phí trong 4 năm 6 tháng.

Cùng với tuyến tránh, nhà đầu tư có chi khoảng 300 tỉ đồng để nâng cấp, sửa chữa 26,5 km đường QL1 qua thị xã Cai Lậy mà người ta bảo rằng chỉ là "tráng nhựa mặt lộ"! Khoản đầu tư này củng cố thêm cái quyền được đặt trạm và thu phí tại vị trí nói trên.

Tuy nhiên, dẫu có tranh cãi kiểu gì đi nữa, các cơ quan nhà nước tại địa phương và trung ương cùng chủ đầu tư vẫn không thể có câu trả lời thoả đáng cho người điều khiển phương tiện cơ giới khi họ cật vấn: Chúng tôi không đi qua tuyến tránh Cai Lậy, sao phải trả phí? Còn tuyến QL1 qua thị xã Cai Lậy ư, chúng tôi đã nộp phí bảo trì đường bộ rồi?

Câu hỏi ấy mang tính quy luật, quy luật thị trường: có mua thì mới trả, ăn bánh mới trả tiền. Đi ngược lại quy luật cơ bản đó, không bị phản đối mới là lạ.

Do vậy, nếu chủ đầu tư được hậu thuẫn bởi các cơ quan chức năng nhân danh nhà nước tiếp tục "nói cứng" với dân và nếu bên phản đối trạm này tiếp tục bất tuân dân sự thì câu chuyện BOT Cai Lậy sẽ tiếp tục rơi vào bế tắc, tiềm ẩn mầm mống bất lợi cho tình hình an ninh trật tự và kinh tế - xã hội nói chung.

Lối thoát khả thi nhất lúc này là Bộ GTVT đại diện nhà nước đứng ra tuyên bố sẽ "mua" lại khoản tiền hơn 300 tỉ đồng sửa 26,5 km QL1 qua thị xã Cai Lậy mà chủ đầu tư đã bỏ ra, đồng thời yêu cầu dời trạm BOT Cai Lậy về tuyến tránh 12 km. Lập trạm ở đó, xe nào qua đường tránh được cho là tốt hơn, gần hơn, nhanh hơn thì phải chi tiền, đúng quy luật!

Nguồn tiền để mua lại có thể trích từ Quỹ Bảo trì đường bộ, mỗi năm trích một ít. Về phần mình, chủ đầu tư có thể kiện Bộ GTVT ra toà vì cơ quan quản lý nhà nước chuyên mảng GTVT đã phá vỡ thoả thuận cho phép đầu tư và vị trí đặt trạm. Toà án sẽ thụ lý và phân xử. Đó chẳng phải là chuyện bất thường mà là điều rất bình thường trong xã hội văn minh.
Có ý kiến lo ngại rằng nếu giải quyết vụ BOT Cai Lậy theo hướng đó thì sẽ tạo tiền lệ xấu cho 8 trạm BOT giao thông khác đang trong tình trạng tương tự. Không hẳn vậy, chỉ vì cái sai của BOT Cai Lậy là cái sai điển hình và người dân luôn biết phân biệt phải - trái, lại rất công bằng.


Thử tìm lời giải cho BOT Cai Lậy - Ảnh 1.
Thông tin Chính phủ Campuchia mua lại khoản đầu tư xây cầu Koh Kong, đăng báo Khmer Times ngày 2-11-2017

Với dân, đừng bao giờ muốn hơn thua. Vì dân, phải làm cho dân thấy lợi ích cụ thể của họ chứ đừng nói chung chung. Hôm 2-11, cách nay đúng 1 tháng, tờ Khmer Times của Campuchia đưa tin Chính phủ nước này mua lại dự án cầu Koh Kong ở tỉnh Koh Kong vốn thuộc sở hữu của tỉ phú Ly Yong Phat. Cầu này nối biên giới Campuchia và Thái Lan, công ty của tỉ phú Ly Yong Phat bỏ vốn xây cầu để dựng trạm thu phí, người dân qua lại trung bình mỗi ngày tốn 2 USD. "Từ đây, người dân có thể qua lại cầu Koh Kong mà không mất tiền" - Khmer Times dẫn lời Thủ tướng Campuchia Hun Sen.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét